Chiến tranh thế giới thứ hai Fedor_von_Bock

Giai đoạn 1939-1940

Khi nước Đức chuẩn bị tấn công Ba Lan vào năm 1939, Cụm Tập đoàn quân số 1 được đổi tên thành Cụm Tập đoàn quân Bắc, với quân số cỡ 63 vạn người. Ngày 1 tháng 9 năm 1939, Cụm Tập đoàn quân Bắc của Bock cùng Cụm Tập đoàn quân Nam của Rundstedt tràn qua đánh Ba Lan, khơi mào cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Tại thời điểm đó, biên chế Cụm Tập đoàn quân Bắc bao gồm Tập đoàn quân số 3 (Tư lệnh: Thượng tướng Pháo binh Georg von Küchler) và Tập đoàn quân số 4 (Tư lệnh: Thượng tướng Pháo binh Günther von Kluge), cùng với 4 sư đoàn bộ binh độc lập. Dưới sự thống lĩnh của Bock, quân Đức nhanh chóng xuyên thủng phòng tuyến "Hành lang Ba Lan" và thọc sâu tới tận Brest-Litovsk trên mạn đông Ba Lan. Ở nhiều nơi quân Ba Lan kháng cự rất anh dũng, nhưng không thể gây tổn thất đáng kể cho đối phương. Đầu tháng 10 năm 1939, Bock toàn thắng trở về Đức và bắt tay vào việc chuẩn bị chinh phục Tây Âu.[15] Ông trở thành Thủ trưởng Cụm Tập đoàn quân B (gồm hai Tập đoàn quân số 6 và 18) sau khi binh đoàn này được thành lập ngày 12 tháng 10 năm 1939.[16]

Sư đoàn Bộ binh số 30 diễu binh qua Khải Hoàn Môn Paris.

Trong kế hoạch ban đầu do Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Franz Halder đề xướng, Cụm Tập đoàn quân B được chọn làm mũi chủ công của chiến dịch tấn công Pháp, Bỉ và Hà Lan. Bock phản đối phương án tác chiến này vì ông thấy nó giống như một "bản sao phi thực tế" của Kế hoạch Schlieffen nổi tiếng trong cuộc chiến trước. Ông đệ đơn đòi chỉnh sửa kế hoạch và được Hitler chấp thuận.[15] Cuối năm 1939 – đầu năm 1940, Trung tướng Erich von Manstein soạn ra một phương án giàu sáng tạo, theo đó Cụm Tập đoàn quân B tung mũi phụ công đánh Hà Lan và Trung bộ Bỉ đặng dụ quân chủ lực Anh-Pháp tràn lên mạn bắc (theo kế hoạch Dyle - Breda) trong khi Cụm Tập đoàn quân A (Tư lệnh: Gerd von Rundstedt) đánh chủ công vào rừng núi Ardennes. Nội dung cốt lỗi của kế hoạch này được Hitler chọn làm phương án tấn công chính thức vào tháng 2 năm 1940.[17] Sau khi chiến dịch xâm chiếm Tây Âu mở màn ngày 10 tháng 5, "Lửa thiêng Küstrin" nhanh chóng chiếm gọn Hà Lan, tràn ngập phần lớn Bỉ và cùng Rundstedt hợp vây quân đội Pháp-Anh trong trận Dunkerque. Tại đây, ông bắt giữ được hàng vạn tù binh Pháp.[15] Bock kịch liệt phê phán quyết định của Hitler cho phép lực lượng thiết giáp Cụm Tập đoàn quân A nghỉ chân vào ngày 23 tháng 5, vì nó mở đường cho quân chủ lực Anh cùng một bộ phận quân Pháp chạy thoát khỏi "hỏa ngục" Dunkerque. Bước sang giai đoạn 2 của chiến dịch, Bock lãnh quyền chỉ huy 3 tập đoàn quân và 2 cụm thiết giáp đánh diệt quân Pháp ở miền tây nước này[15].[5] Quân Pháp đại bại, các đơn vị Cụm Tập đoàn quân B lấy được Paris và duyệt binh rầm rộ tại Khải Hoàn Môn vào ngày 14 tháng 6. Bảy ngày sau đó, hiệp định đầu hàng của Pháp được ký kết tại rừng Compiègne. Do có công trong chiến thắng, Bock, Rundstedt cùng 10 vị tướng khác được thụ phong Thống chế ngày 19 tháng 7 năm 1940. [15]

Sau một thời gian làm nhiệm vụ quân quản Pháp, tháng 9 năm 1940, Bock đưa quân về Ba Lan và Đông Phổ để tăng cường phòng ngự biên giới phía Đông. Do bị viêm loét dạ dày nên ông gặp nhiều trở ngại trong công tác chỉ huy vào mùa đông năm 1940 - 41. Dần dần, ông trở nên dị ứng với chính sách cai trị tàn bạo của chính quyền Quốc xã, và dung túng các thành viên phong trào chống Hitler làm cán bộ tham mưu cho ông. Những người này ra sức thuyết phục Bock tham gia đảo chính lật đổ Hitler, nhưng sớm phải thất vọng. Bock nêu rõ quan điểm của mình: "Tôi sẽ hiệp lực cùng các anh nếu các anh thành công [trong việc đảo chính], nhưng sẽ không dính dáng gì tới các anh nếu các anh thất bại". Ông không hề thay đổi thái độ này trong suốt thời gian còn lại của cuộc chiến.[15][16]

Mặt trận Xô-Đức

Lược đồ Chiến dịch Barbarossa, 21 tháng 6 – 5 tháng 12 năm 1941

Đầu năm 1941, Hitler ráo riết chuẩn bị xâm chiếm Liên Xô theo kế hoạch Barbarossa. Bock công khai phản đối ý định này, vì ông lo rằng thực lực quân đội Đức đã bị đánh giá sai, và ngay nêu Hồng quân Xô Viết thất trận, chưa chắc là Liên Xô sẽ chịu khuất phục Đức. Nhưng Hitler bỏ ngoài tai mọi ý kiến của Bock và phân công ông làm Tư lệnh Cụm Tập đoàn quân Trung tâm, bao gồm 49 trong tổng số 152 sư đoàn được huy động đánh Nga. Dưới trướng Bock có Tập đoàn quân số 2 (Đại tướng Maximilian von Weichs), Tập đoàn quân số 4 (Thống chế Günther von Kluge), Tập đoàn quân số 9 (Đại tướng Adolf Strauss), cùng Cụm Thiết giáp số 2 (Đại tướng Heinz Guderian), cùng Cụm Thiết giáp số 3 (Đại tướng Hermann Hoth). Khi Thống chế Albert Kesselring - Tư lệnh Tập đoàn Không quân số 2 ghé thăm ông ngày 21 tháng 6, Kesselring bất ngờ vì thấy Bock buồn rười rượi, khác hẳn với phong thái lạc quan của ông trước các chiến dịch Ba Lan, Pháp và Tây Âu.[15][16]

Sau khi nhận được Sắc lệnh Chính ủy yêu cầu lính Đức bắn bỏ bất cứ chính ủy, chính trị viên Liên Xô nào bị bắt, Thượng tá Henning von Tresckow - Trưởng ban tác chiến Cụm Tập đoàn quân Trung tâm và cũng là cháu trai của Bock - thỉnh cầu ông đăng đơn phản kháng mệnh lệnh này. Bock bảo rằng ông cũng không đồng tình với chính sách ấy, nhưng ông sẽ bị sa thải nếu ông dám cả gan chống đối. Tresckow trả lời: "Nếu vậy thì chí ít ngài cũng đã tạo được một lối thoát vinh dự khỏi lịch sử". Được sự đồng thuận của các thuộc cấp như Kluge, Guderian và Weichs, Bock đã đệ đơn kháng nghị lên Hitler, và dù không bãi chức ông nhưng Hitler cũng chẳng hủy bỏ sắc lệnh. Phiên bản cuối cùng của Sắc lệnh Chính ủy được ban bố cho các đơn vị tiền tuyến vào ngày 6 tháng 6 năm 1941.[16]

Trong thời gian chỉ huy Cụm Tập đoàn quân Trung tâm, Bock liên tục xích mích với cả thượng lẫn thuộc cấp của mình. Ông xem nhẹ Thống chế Walther von Brauchitsch - Tư lệnh Tối cao Lục quân Đức và cho rằng Hitler đã sai khi giao phó chức vụ này cho Brauchitsch. Đối với Bock, chỉ một người duy nhất đủ tư cách làm Tư lệnh Tối cao, và đó chính là ông. Ông cũng không ưa phần lớn các tướng dưới quyền, nhất là Kluge và Guderian.[16][18] Vì lẽ đó, cán bộ Cụm Tập đoàn quân Trung tâm thường có câu cửa miệng: "Bock là một người khó làm việc chung".[19]

Chiến dịch Barbarossa

Ngày 22 tháng 6 năm 1941, Đức phát động Chiến dịch Barbarossa tấn công Liên Xô. Cụm Tập đoàn quân Trung tâm được giao nhiệm vụ chinh phục Moskva, thủ đô và cũng là thành phố quan trọng nhất của Liên bang Xô viết[20]. Chỉ trong chưa đầy một tuần, các mũi nhọn thiết giáp của Bock đã thọc sâu 274 km vào lãnh thổ Liên Xô và áp sát thành phố Minsk. Nghe Bock dự định tổ chức bao vây quy mô lớn, Hitler yêu cầu ông thu ngắn vòng vây, nhưng Bock từ chối đây đẩy và Quốc trưởng đành chiều theo ý ông. Minsk bị vây kín vào ngày 29 tháng 6, và khi trận đánh kết thúc ngày 3 tháng 7, quân Đức tuyên bố bắt được 324.000 tù binh, đồng thời thu giữ hoặc phá hủy 3.332 xe tăng cùng 1.809 đại bác.[15]

Cán bộ Đức bàn mưu đánh chiếm Liên Xô. Từ trái sang phải: Thống chế Fedor von Bock; Đại tá Walther von Hünersdorff (sau lưng Bock); Đại tướng Hermann Hoth và Đại tướng Wolfram von Richthofen

Với mũi nhọn là hai cụm thiết giáp của Hoth và Guderian, Cụm Tập đoàn quân Trung tâm liên tiếp giành chiến thắng trong hàng loạt trận bao vây khổng lồ. Ngày 5 tháng 8 năm 1941, quân Đức hoàn tất đánh chiếm Smolensk, bắt được 310.000 tù binh, bắn cháy hoặc thu giữ 3.205 xe tăng cùng 3.120 đại bác. Ngày 8 tháng 8, họ chọc thủng phòng tuyến Liên Xô ở Roslavl, bắt sống 103.000 Hồng quân, đồng thời phá hủy hoặc thu 250 xe tăng và 359 đại bác. Tiếp sau đó, Bock lại thu được 84.000 tù binh, 144 chiến xa và 848 đại bác trong trận hợp vây Gomel (kết thúc ngày 24 tháng 8 năm 1941). Hạ tuần tháng 8, quân của Bock đã tiến được hơn 805 km và chỉ còn cách Moskva 298 km. Vào thời điểm này, Cụm Tập đoàn quân Trung tâm đã loại khỏi vòng chiến 75 vạn quân Xô Viết, bắn cháy và tịch thu 7.000 xe tăng cùng hơn 6.000 đại bác, nhưng cũng hao tổn đến 25 vạn quân nhân.[21][22] Bock nhận định con đường đã rộng mở cho ông chiếm nhanh Moskva và dứt điểm cuộc chiến, nhưng đúng lúc này, Hitler dời trọng tâm sang hướng LeningradKiev. Bất chấp sự phản kháng gay gắt của Bock, Hitler rút 4 trong 5 quân đoàn thiết giáp và 3 quân đoàn bộ binh khỏi Cụm Tập đoàn quân Trung tâm, buộc Bock phải chuyển sang thế phòng ngự. Thay đổi này đã câu giờ cho người Nga tăng cường phòng vệ thủ đô.[23][21]

Đầu tháng 9 năm 1941, Iosif V. Stalin huy động các đội quân lớn phản công dồn dập vào đội hình Cụm Tập đoàn quân Trung tâm. Quân Bock bị đẩy lùi khỏi Yelnya, nhưng giữ được trận tuyến trên các địa bàn khác. Lực lượng Liên Xô đối diện với Bock không ngừng lớn mạnh xuyên suốt tháng 9. Sau khi chiếm được Kiev ngày 19 tháng 9, Tư lệnh Cụm Tập đoàn quân Nam - Thống chế Gerd von Rundstedt đề nghị Hitler ngừng tiến công cho đến mùa xuân năm sau, nhưng bị Bock, Brauchitsch, Guderian, Kluge, Kesselring và nhiều tướng lĩnh khác phản đối mạnh. Bock quả quyết rằng ông sẽ chiếm được Moskva ngay trong năm 1941. Hitler ngả theo ý Bock và trả lại Tập đoàn Thiết giáp số 2 của Guderian (nguyên là Cụm Thiết giáp số 2, được nâng cấp ngày 5 tháng 10), Cụm Thiết giáp số 3 của Hoth cùng Tập đoàn quân số 2 của Weichs cho ông. Ngoài ra Hitler cũng chuyển Cụm Thiết giáp số 4 (Tư lệnh: Đại tướng Erich Hoepner) từ Cụm Tập đoàn quân Bắc sang Cụm Tập đoàn quân Trung tâm. Bock còn nhận được sự yểm trợ của các oanh tạc cơ Stuka thuộc Quân đoàn Không quân VIII do Đại tướng Wolfram von Richthofen chỉ huy.[21][24][25]

Chiến dịch Bão táp

Ngày 30 tháng 9 năm 1941, Bock triển khai Chiến dịch tấn công Moskva, mật danh là "Bão táp" (TAIFUN). Thoạt đầu, ông huy động thiết giáp đánh lấy 2 thị trấn Vyazma (cách Moskva 241 km trên hướng tây) và Bryansk (cách Moskva 354 km trên hướng tây nam), đặng khai lối cho bộ binh công chiếm Moskva. Bằng cái mà sử gia Đức Paul Carell gọi là "cuộc tấn công gọng kìm tuyệt hảo nhất", các đơn vị của Guderian, Hoth, Hoepner và Weichs thực hiện bao vây, chia cắt khoảng 80 sư đoàn Liên Xô trong "nồi hơi" khổng lồ Vyazma-Bryansk. Vyazma và Bryansk lần lượt thất thủ vào các ngày 14 và 20 tháng 10. Mặc dù nhiều đơn vị Hồng quân chạy thoát khỏi "nồi hơi", chiến thắng Vyazma-Bryansk đã thêm 663.000 lính Liên Xô vào danh sách tù binh của Bock. Quân Đức cũng phá hỏng hoặc thu giữ 1.242 xe tăng và 5.412 hỏa pháo.[25][24]

Fedor von Bock tại Nga, tháng 10 năm 1941.

Ngày 6 tháng 10 năm 1941, một bộ phận quân Đức xuyên thủng phòng tuyến Rzhev-Vyazma và áp sát phòng tuyến Mozhaisk, cách Moskva 80 km về phía tây. Đây là một hệ thống công sự vững chãi được xây dựng từ mùa hè năm 1941. Đêm ngày 6 - 7 tháng 10, tuyết bắt đầu rơi trên lãnh thổ Nga. Các trận mưa và tuyết thay nhau diễn ra trong suốt tháng ấy. Ngày 10 tháng 10, Đại tướng Georgi K. Zhukov được điều về tổ chức các lực lượng phòng thủ Moskva. Dưới sự chỉ huy của Zhukov, Hồng quân Liên Xô chiến đấu anh dũng và giành giật từng thước đất với "bọn Đức xâm lược". Quân Bock bèn vòng qua sườn nam tuyến Mozhaisk rồi lần lượt chiếm Kaluga (12 tháng 10) và Kalinin (14 tháng 10). Sau nhiều trận đánh hết sức đẫm máu, quân Đức cuối cùng đã đoạt được Mozhaisk vào ngày 18 tháng 10. Nhưng Hồng quân vẫn không hề lung lay; họ mở nhiều đòn phản kích mạnh mẽ gây cho Đức thiệt hại lớn.[26] Không những thế, mưa lớn đã biến đường sá thành những con sông bùn lầy, gây cản trở đáng kể đối với công tác hậu cần của quân Đức. Mỗi ngày các đoàn xe tiếp vận chỉ di chuyển được 8 km, và riêng trên Cao lộ Moskva đã có đến 2.000 xe bị kẹt cứng.[4] Bock đành dừng quân, đợi đến khi đường sá đóng băng mới tấn công tiếp. Tận dụng thời cơ này, Stalin đổ thêm quân từ Viễn Đông sang chi viện cho Moskva.[26]

Ngày 15 tháng 11, Bock mở đợt tấn công tổng lực cuối cùng vào Moskva. Sau 2 ngày kịch chiến, quân Đức chiếm được Klin (phía bắc Moskva) và Istr, chỉ cách điện Kremli theo hướng tây. Ở phía nam, quân Đức uy hiếp thành phố cổ Tula (chỉ cách Moskva một con đường cổ chai) vào ngày 3 tháng 12, nhưng sớm bị một cuộc phản công của Liên Xô đẩy lui. Mùa đông khắc nghiệt, cùng với sự kháng cự bền bỉ của Hồng quân, đã làm phá sản Chiến dịch Bão táp của Bock. Trong điều kiện thời tiết dưới 0 độ, quân Đức không được trang bị đủ áo ấm và phần lớn trang thiết bị của họ đều không khởi động được. Ngày 6 tháng 12, Stalin phát động phản công trên toàn tuyến. Cụm Tập đoàn quân Trung tâm bị đánh bật khỏi cửa ngõ Moskva và chịu tổn thất ghê gớm.[4][26] Tuyệt vọng do thua trận và đau yếu do viêm loét dạ dày, Bock xin từ chức và được Hitler chuẩn y. Sau khi bàn giao Cụm Tập đoàn quân Trung tâm cho Kluge vào ngày 18 tháng 12, ông được chuyển vào ngạch dự bị của quân đội Đức.[1][27]

Chiến sự năm 1942

Sau khi bình phục sức khỏe, Bock được triệu hồi làm Tư lệnh Cụm Tập đoàn quân Nam vào ngày 18 tháng 1 năm 1942.[4] Trong trận phản công từ ngày 6 tháng 12 năm 1941 đến ngày 7 tháng 5 năm 1942, các Tập đoàn quân số 9, 57 (Liên Xô) đã đánh bật quân Đức khỏi sông Izium và tạo một "chỗ lồi" sâu trong trận địa Tập đoàn quân số 17. Kharkov bị uy hiếp hợp vây từ hướng nam. Ngày 12 tháng 5 năm 1942, Phương diện quân Tây Nam (Liên Xô) mở Chiến dịch Barvenkovo-Lozovaya hòng bứt phá khỏi đầu cầu Izium, đánh bại Tập đoàn quân số 6 (Đức) và đoạt lại Kharkov. Hồng quân ban đầu đạt được thắng lợi, họ thọc sâu 97 km vào các phòng tuyến Đức phía tây Izium. Nhận định rằng phương án phòng thủ tốt nhất là tấn công, ngày 17 tháng 5, Bock huy động Tập đoàn Thiết giáp số 1 cùng Tập đoàn quân số 17 đánh thốc sườn nam Hồng quân. Liên Xô thất thế, Tư lệnh Phương diện quân Tây Nam thỉnh cầu Stalin cho rút quân, nhưng đến khi Stalin hồi đáp, Tập đoàn quân số 6 (Đức) đã thọc xuống phía nam và khép chặt vòng vây quân Xô Viết. Chiến dịch Barvenkovo-Lozovaya chấm dứt ngày 22 tháng 5 với thất bại thê thảm của Hồng quân. Cụm Tập đoàn quân Nam chỉ thiệt hại hơn 2 vạn quân và 38 phi cơ, nhưng loại được 277.000 quân của Phương diện quân Tây Nam khỏi vòng chiến. Ngoài ra quân Đức cũng bắn cháy hoặc thu 1.250 xe tăng, 2.080 đại bác và bắn rơi 540 máy bay.[28][5]

Trong khi các Tập đoàn quân số 6, 17 và Tập đoàn Thiết giáp số 1 đánh trận Kharkov, Tập đoàn quân số 11 của Đại tướng Erich von Manstein tiếp tục chinh phục Krym-Sevastopol trong một chiến dịch đẫm máu mở màn từ tháng 9 năm ngoái. Hai bên đều bị thiệt hại nặng nề, nhưng quân đội Đức cuối cùng đã giành được thủ phủ Sevastopol và hoàn tất đánh chiếm bán đảo Krym ngày 4 tháng 7 năm 1942.[5][28]

Sau khi bẻ gãy Chiến dịch Barvenkovo-Lozovaya, Hitler ra lệnh cho Bock đánh chiếm lưu vực sông Đông, tạo bàn đạp chuẩn bị tiến công StalingradKavkaz. Bock công khai chỉ trích kế hoạch tác chiến của Hitler, vì nó quá lệ thuộc vào các đội quân chư hầu mỏng yếu hai bên sườn quân Đức. Nhưng ông vẫn chấp hành mệnh lệnh: ngày 28 tháng 6 năm 1942, Bock huy động hàng triệu quân Đức và chư hầu thực hiện Chiến dịch Blau theo đúng kiểu Chiến tranh Chớp nhoáng. Thoạt đầu ông giành thắng lợi lớn, chiếm được một nửa thành phố Voronezh vào ngày 6 tháng 7. Nhưng do bị tác động bởi thảm bại Moskva năm 1941 và sự kiệt sức của binh lính, Bock chỉ truy kích một cách chậm rãi, để cho nhiều sư đoàn chủ lực Liên Xô rút lui an toàn qua sông Đông. Hitler có thúc giục ông đến mấy cũng không ăn thua. Thất vọng trước tiến độ hành quân của Bock, Hitler huyền chức ông vào ngày 15 tháng 7 và không bao giờ tin dùng ông nữa. Hitler tâm sự riêng với trợ lý của mình - Đại tá Rudolf Schmundt rằng ông ta vẫn vị nể Bock, nhưng cần những vị tướng biết nghe lời hơn.[5][4]